Kinh Doanh

Mô hình AISAS trong Marketing Online

Những người làm marketing luôn muốn lôi kéo khách hàng về phía mình bằng đủ mọi công cụ online. Nhưng những công cụ đó liệu có đem lại hiệu quả mong muốn cho mình hay không còn tùy thuộc vào sự thấu hiểu và vận dụng mô hình AISAS có hợp lý hay không. Có thể nói, nắm được, thực hiện được nó thì đó chính là chìa khóa để chinh phục khách hàng hiệu quả nhất.

AISAS là gì?

AISAS là mô hình nói về hành vi của người dùng khi mua hàng trên internet. Có nghĩa là một sản phẩm, dịch vụ hay một hiện tượng, thông tin bất kỳ nào đó muốn thu hút được người dùng (họ là khách hàng hoặc người đọc, người nghe…), tác động đến hành vi của họ đối với điều mà mình truyền đạt. Và sau đó chính họ lại lan truyền điều đó đến những người khác một cách ngẫu nhiên nhất.

Về cơ bản lý thuyết là vậy, song để làm được điều đó thì không phải ai cũng có thể. Những người biết cách vận dụng khéo léo thì sẽ mang đến thành công, và ngược lại họ sẽ thất bại dù có áp dụng những phương pháp hay đến cỡ nào đi chăng nữa. Bởi vậy mới nói, tác động được đến tâm lý của khách hàng là quan trọng vô cùng, nó quyết định sự thành bại của cả một chiến dịch Marketing Online.

Cụ thể, AISAS là chữ đầu viết tắt của những chữ cái sau: Attention, Interest, Search, Action và Share. Mỗi chữ một ý nghĩa, song tổng hợp lại thì đó là một quy trình chặt chẽ, không thể nào tách rời.

Quy trình thực hiện AISAS

Attention ( Gây sự chú ý )

Attention có nghĩa là gây chú ý. Một sản phẩm, dịch vụ nói riêng hay bất cứ thứ gì đó nói chung muốn người ta biết đến thì phải gây sự chú ý. Sự chú ý đó có thể là tốt, là xấu nhưng bắt buộc phải có gì đó ấn tượng để thu hút người khác. Muốn làm cái gì đó to tát hơn, chẳng hạn như bán hàng thì cũng phải để người ta biết món hàng đó có tồn tại chứ, người ta không biết đến nó, không ấn tượng với nó thì làm sao người ta có thể mua nó?

Với môi trường internet này thì cơ hội để bạn thu hút khách hàng là vô kể. Đó có thể là Online seeding, bài viết PR, banner, quảng cáo Display Ads… Làm sao cho càng nhiều người biết đến sản phẩm, dịch vụ của bạn thì xem như bước đầu bạn đã thành công.

Interest ( Gây thu hút ấn tượng )

Khi đã thu hút được một lượng kha khá người dùng rồi thì việc tiếp theo bạn cần làm là làm sao để họ cảm thấy quan tâm đến sản phẩm, dịch vụ của bạn. Bạn cần biết rằng một khi khách hàng đã thấu hiểu được sản phẩm của bạn thì mong muốn sở hữu nó của họ lại càng cao. Vậy làm thế nào để khách hàng có cơ hội hiểu được?

Bạn có thể dùng đến những cách như, nêu lên những lợi ích nổi bật nhất của sản phẩm, dịch vụ để người dùng chỉ mới nghe thôi cũng cảm thấy nó hữu dụng với mình vô cùng. Hoặc bạn tung lên bằng chứng về những trải nghiệm của khách hàng đã và đang dùng sản phẩm, dịch vụ của bạn; “nói có sách, mách có chứng”, điều này khiến khách hàng có lòng tin nhiều hơn cả. Hoặc cũng có thể bạn để người dùng trải nghiệm trực tiếp, cho họ cơ hội khẳng định chắc chắn đây chính là sản phẩm, dịch vụ cần thiết đối với mình…

Search ( Tìm kiếm )

Khi khách hàng đã quan tâm đến sản phẩm của bạn rồi, thậm chí là tỏ ra thích thú thì bạn đừng vội mừng vì nghĩ rằng họ chắc chắn sẽ chọn bạn. Bởi trước khi có hành động cụ thể nào đó họ sẽ phải thông qua 1 bước nữa là tìm hiểu về sản phẩm và dịch vụ đó.

Khi khách hàng tìm kiếm thông tin về sản phẩm, dịch vụ nghĩa là họ thật sự có nhu cầu. Và đa phần khi tìm kiếm họ sẽ lựa chọn công cụ là google. Vậy làm sao để sản phẩm, dịch vụ của bạn có mặt trong top 10 trang tìm kiếm google đây? Bởi thói quen tìm kiếm của người dùng, họ chỉ dành thời gian quan tâm đến kết quả của 10 trang đầu hiển thị trên google mà thôi.

Vậy thì việc của bạn là làm sao để website của mình được hiển thị trên trang 1 google, càng đứng đầu càng tốt. Bằng cách nào ư? Bạn có thể dùng phương pháp SEO (tối ưu từ khóa để tăng thứ hạng tìm kiếm) hoặc PPC (trả tiền để xuất hiện trên trang kết quả tìm kiếm). Hầu hết những người kinh doanh họ đã chọn cách này rồi, nếu bạn không làm thì sẽ chẳng bao giờ khách hàng biết được sản phẩm của bạn hiện đang nằm ở đâu cả.

Action ( Hành động )

Hành động là cái đích mà bất cứ nhà Marketing nào cũng mong muốn hướng đến. Khi khách hàng tìm thấy bạn ở trang nhất của google nhưng liệu họ có chọn bạn không? Điều đó còn tùy thuộc vào việc Website của bạn có đáp ứng được nhu cầu của họ hay không.

Ở bước này những hành động của khách hàng có thể là mua hàng, đặt hàng, gọi điện, gửi email, điền thông tin… hay thậm chí là thoát trang ngay lập tức. Vậy thì kết quả là tốt hay xấu còn tùy thuộc vào bạn nữa đấy.

Hãy tạo những lời kêu gọi hành động ở cuối trang web để tác động khách hàng tối đa như: Mua ngay, Đặt hàng ngay, Đăng ký ngay, Tải ngay…

Share ( Chia sẽ )

Bước cuối cùng này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với bạn vì vô tình bạn sẽ có được một lượng khách hàng mới mà không mất một chút công sức nào. Khi một khách hàng chọn bạn, tin tưởng bạn thì tâm lý của họ sẽ đem những điều tuyệt với ấy để chia sẻ cho bạn bè, người thân của họ. Rồi những người được chia sẻ ấy sẽ tò mò, rồi họ lại quay trở lại bước Search để tìm hiểu thông tin, rồi tiếp tục Action và cuối cùng lại Share.

Cứ như vậy, vòng tuần hoàn này lặp đi lặp lại bạn bỗng chốc trở thành “ngư ông đắc lợi”, chỉ việc “ngồi mát ăn bát vàng”. Thật tuyệt vời đó chứ.

5 yếu tố cũng là 5 bước của mô hình AISAS đều quan trọng, nhưng bạn cần tập trung chú ý nhất là bước Search và Share. Search giúp bạn tiếp cận với nhiều khách hàng có nhu cầu và Share giúp thông tin của bạn được lan truyền một cách mạnh mẽ nhất.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *